Bài học số 4 – BẠN CÓ THỂ TRỞ THÀNH BẤT KỲ AI TUỲ THEO Ý MÌNH

Thứ hai - 08/07/2024 06:16 - Lượt xem: 66
Co the tro thanh bat ky ai
Co the tro thanh bat ky ai

“Nhân quả” mâu thuẫn mà thống nhất, có “nhân” mới có “quả”, không “nhân” sẽ không có “quả”. Thông thường, người ta chỉ chú trọng “quả” mà quên mất “nhân”. Đó là do “nhân” giấu mình, tiềm ẩn nên người ta không chú ý. Còn “quả” bộc lộ rõ, ai cũng có thể thấy được.
 

Tư tưởng là năng lượng, năng lượng là tư tưởng. Tôn giáo, khoa học, triết học là biểu hiện của năng lượng chứ không phải là bản thân năng lượng. Do đó, năng lượng vốn là “nhân” nhưng đã bị bỏ quên hoặc bị hiểu sai.
 

Sự bi thương, đau khổ, bất hạnh, bệnh tật, nghèo túng tương phản với sự vui sướng, hưởng thụ, hạnh phúc, khoẻ mạnh, giàu có thực ra không có gì đáng sợ. Vấn đề ở chỗ, chúng ta phải dám xoá bỏ nó và có đủ năng lực để xoá bỏ nó. Sinh mệnh biểu đạt cái bản thân mình một cách hài hoà, có tính xây dựng. Đó là việc của bản thân chúng ta, trách nhiệm chúng ta không thể thoái thác!
 

Quá trình xoá bỏ những nhân tố tiêu cực đó đòi hỏi chúng ta phải vượt nhiều sự hạn chế. Giống như người lái con tàu, mọi tai nạn hoặc may mắn đều tuỳ thuộc vào bản thân người đó. Một người khoẻ mạnh với tư tưởng kiên cường sợ gì bị “nhiễm trùng”?
 

Suy nghĩ, cách làm và cảm thụ của mỗi người quyết định chính họ là người như thế nào. Vì thế mới có thánh và quỷ trong tôn giáo, âm và dương trong khoa học, thiện và ác trong triết học. Bạn là kẻ mạnh hay kẻ yếu, người thành công hay thất bại đều do bạn quyết định. Bạn có thể trở thành bất kỳ ai tuỳ theo ý mình.
 

1. Cái “Tự ngã”, cái “Tôi” không phải là xác thịt cũng không phải là tâm trí. Thân thể chỉ là một công cụ thi hành nhiệm vụ do cái “Tôi” giao cho. Tâm trí là công cụ mà cái tôi dùng để suy nghĩ, suy lý, mưu tính.

2. Nếu nhận thức được bản chất của cái tôi, bạn sẽ cảm nhận được một sức mạnh dồi dào chưa từng có vì cái tôi có thể khống chế, dẫn đạo, chỉ huy thân thể và tâm trí. Nó chỉ đạo thân thể và tâm trí làm như thế nào.

3. Bạn có thể trở thành bất kỳ ai vì mọi đặc tính, thói quen, chứng tật, tính cách của bạn đều tiềm ẩn trong thân thể bạn. Chúng là sản phẩm của phương thức tư duy mà bạn đã dùng trước đây và không có liên quan thực sự với cái “Tôi”, cái “Tự ngã”.

4. Sức mạnh của tư tưởng là một thứ sức mạnh vĩ đại nhất, thần kỳ nhất của cái “Tôi”. Thực tế rất ít người biết được cách suy nghĩ chính xác, có tính xây dựng. Do đó, mới có người tốt kẻ xấu, có cái thiện và cái ác. Đại đa số, họ thường để tư tưởng của mình dừng lại ở tầng bậc “tự tư”, đó chính là kết quả của một thứ tâm trí ấu trĩ. Khi tâm trí thật sự trưởng thành, họ sẽ hiểu ra cách suy nghĩ ấy là mầm mống của thất bại.

5. Người nào cho người khác ngu hơn mình sẽ là kẻ ngu nhất. Làm bất cứ việc gì cũng phải nghĩ đến lợi ích chung – với những người liên quan đến việc đó. Mọi mưu toan lợi dụng sự yếu kém hoặc nhu cầu của người khác để vụ lợi đều là vô ích và có hại.

6. Vũ trụ do vô số cá thể hợp thành, cá thể là một bộ phận trong đó. Hai cá thể, hai bộ phận của cùng một chỉnh thể không thể đối địch nhau. Hạnh phúc của cá thể phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lợi ích của chỉnh thể. Chỉ có đoàn kết mới sinh ra hợp lực.

7. Hãy hết sức tập trung chú ý vào một chủ đề; chớ để bản thân bị kiệt sức; hãy nhanh chóng xoá bỏ mọi suy nghĩ vẩn vơ; chớ lãng phí thời gian vào những mục tiêu vô ích hoặc vào đồng tiền. Đó là cách suy nghĩ và cách làm khôn ngoan nhất.

8. Mùa xuân gieo trồng, mùa thu hái quả. Trồng gì sẽ được thứ đó. Hãy tăng cường ý chí, nhận thức rõ sức mạnh của mình, hãy hô to khẩu hiệu “Muốn là được”. Bạn có thể trở thành bất kỳ người nào theo ý mình.

9. Hãy cố gắng hết sức để hiểu được nội hàm thực sự của cái “Tôi” và thuộc tính của nó. Nếu mục tiêu và ý định của bạn là tích cực, có tính xây dựng và hài hoà thống nhất với nguyên lý sáng tạo của vũ trụ, chắc chắn bạn sẽ là người đánh đâu thắng đó.

10. Bất cứ lúc nào, bất kể ở đâu, chỉ cần bạn luôn luôn tâm niệm “Ta muốn trở thành một người như thế… như thế”, bạn sẽ được toại nguyện. Bạn cứ kiên trì tâm niệm như vậy để nó trở thành một tập quán, một bộ phận của sinh mệnh bạn.

11. Phải kiên trì đến cùng, không được “đầu voi đuôi chuột”. Thiếu kiên trì, trong con người bạn sẽ hình thành một tập quán xấu – tập quán thất bại. Đã định làm phải làm cho bằng được, đã không định làm thôi ngay không làm nữa. Cái “Tôi” của bạn đã quyết định là phải như đinh đóng cột, không được buông trôi.

12. Một giọt nước cũng có thể phản xạ ánh sáng của mặt trời. Hãy làm từ việc nhỏ nhất, làm những việc mà bạn nắm được, khống chế được. Không bao giờ được để cái “Tôi” bị đánh đổ, bạn phải chiến thắng bản thân mình. Chiến thắng bản thân còn khó hơn đánh bại cả một quốc gia. Trong mỗi việc nhỏ có tiềm tàng một cái “lẫy nỏ huyền diệu”.

13. Kẻ địch ghê gớm nhất chính là bản thân mình. Chiến thắng bản thân là thế giới nội tâm đã chinh phục được thế giới bên ngoài. Lúc đó, bạn có thể làm bất kỳ việc gì đều dẫn đến con đường thành công.

14. “Cái Tôi vô hạn” là vũ trụ tinh thần, cũng là năng lượng vũ trụ, thường được con người gọi là Thượng đế. Thế giới nội tâm do cái “Tự ngã” quản lý, cái “Tự ngã” chính là một bộ phận của “Cái Tôi vô hạn”.

15. Chúng ta luôn luôn nằm trong vạn vật hoặc trong năng lượng vĩnh hằng, vô hạn do nó sinh ra. Đó là một quan niệm được tôn giáo và khoa học tiếp nhận.

16. Khoa học và tôn giáo được phân công khác nhau. Khoa học phát triển ra năng lượng vĩnh hằng xưa nay vẫn có, còn tôn giáo phát hiện ra sức mạnh đứng đằng sau năng lượng đó. Kinh thánh từng nói: “Các con há không biết cái cung điện cư trú của chúa sao? Chúa nằm ngay trong đầu các con đó”. Đó chính là cái lẽ huyền diệu của sức sáng tạo thần kỳ do thế giới nội tâm sinh ra!

17. Bạn không thể cho người khác cái mà bạn không có. Không có thì lấy gì mà cho? Ta yếu đuối, còn giúp được ai? Bạn phải có năng lượng, phải giàu có mới giúp được người khác.

18. Tiềm lực của con người là không bao giờ cạn kiệt. Con người có năng lượng vô hạn, hãy tận dụng lượng khai thác đó.

19. Chiến thắng được mọi việc không có nghĩa là coi thường hết thảy. Đó chính là bí quyết của sức mạnh và cũng là bí quyết của sức mạnh tự khống chế.

20. Bạn cần giúp đỡ người khác, giúp càng nhiều càng có lợi. Bạn là một kênh truyền tải sức sống của vũ trụ.

21. Con mắt phải nhìn xa trông rộng. Bạn hãy dùng nó để cố tìm ra thật nhiều cơ hội.

22. Tinh hoa của vạn vật không phải ở chỗ nó có cái gì, cũng không phải ở chỗ nó có sức mạnh như thế nào mà là ở tinh thần của nó. Tinh thần là cái thực sự tồn tại vì nó là toàn bộ sinh mệnh. Khi tinh thần ra đi, sinh mệnh cũng không còn. Tinh thần là linh hồn của sinh mệnh.

23. Hoạt động của tinh thần được thực hiện trong đầu óc tâm linh. Nó thuộc về thế giới nội tâm, thế giới “nhân” (không phải “quả”). Mọi cảnh ngộ là do thế giới nội tâm sinh ra – “quả”. “Quả” chính là kết qủa sáng tạo của bạn.

24. Tinh thần giống như thể xác cũng biết mệt mỏi khi phải làm việc quá tải. Khi đã mỏi mệt, nó không thể thực hiện được những công việc của ý thức. Vì vậy, bạn phải giữ cho tinh thần thư thái mới suy nghĩ được tốt và mới có thành tựu. Bạn phải biết cách làm cho tinh thần được nghỉ ngơi.

25. Sự suy nghĩ không ngưng trệ mà là một hình thức vận động. Nó tuân theo quy luật “yêu”, tình cảm sôi nổi làm cho nó có sức sống mạnh mẽ. Sự hình thành và phát tán của nó tuân theo quy luật tăng trưởng. Nó là sản phẩm của cái “tự ngã”, đồng thời là một thứ sản phẩm thần thánh, có tinh thần và tính sáng tạo.

26. Muốn có năng lượng, của cải hoặc thực hiện một ý định có tính sáng tạo, trước hết cần đánh thức tình cảm sôi nổi trong nội tâm.

27. Khi bạn suy nghĩ nhiều lần về một sự việc, cuối cùng sự suy nghĩ đó trở thành tự động. Đó là do sức mạnh tinh thần và sức mạnh thân thể đều phải trải qua rèn luyện mới có được. Khi suy nghĩ một sự việc nào đó, lần đầu bạn cảm thấy khó khăn, nhưng đến lần thứ hai đã thấy dễ dàng hơn và cứ suy nghĩ nhiều lần rồi sẽ tạo ra một tập quán tinh thần.

28. Khi chưa thể nhanh chóng thả lỏng tinh thần hoàn toàn một cách có ý thức, bạn chưa phải là ông chủ của bản thân. Bạn vẫn chưa được tự do và còn đang bị ngoại cảnh tác động ràng buộc. Nếu đã luyện tập tốt được bài học này trước, bạn sẽ tiến sang bước thứ hai – tập luyện thả lỏng tinh thần, làm chủ bản thân mình.
 

HUẤN LUYỆN TÂM LINH
 

Bạn hãy nhắm mắt, không suy nghĩ gì, hoàn toàn thả lỏng tinh thần, gạt bỏ mọi sự căng thẳng, quên hết các nhân tố tiêu cực trong tinh thần như sự oán thù, đố kỵ, tức giận, bi thương, đau buồn, thất vọng…Lúc đó, bạn sẽ cảm thấy vô cùng thư thái. “Vạn sự khởi đầu nan”, rất ít người mới tập lần đầu đã thành công ngay. Bạn chớ bỏ cuộc, càng tập luyện nhiều càng có tiến bộ. Bạn hãy cố kiên trì tập luyện, gạt bỏ mọi ý nghĩ tiêu cực đó là mầm mống gây ra trạng thái mất hài hoà trong nội tâm.
 

TRỌNG ĐIỂM ÔN TẬP

1. Tư tưởng là gì?

Tư tưởng là năng lượng của tinh thần.
 

2. Tư tưởng vận hành như thế nào?

Tư tưởng vận hành theo nguyên lý cộng hưởng.
 

3. Tư tưởng làm thế nào để có sức sống?

Tư tưởng tuân theo quy luật “yêu”  tình cảm sôi nổi mang lại cho nó sức sống.
 

4. Tư tưởng hình thành như thế nào?

Tư tưởng hình thành theo quy luật tăng trưởng.
 

5. Sức sáng tạo là gì?

Sức sáng tạo là hoạt động của tinh thần.
 

6. Làm thế nào để có được dũng khí, lòng tin và nhiệt tình?

Phải nhận thức rõ được bản chất của tinh thần.
 

7. Năng lực khởi nguồn từ đâu?

Năng lực khởi nguồn từ chỗ giúp đỡ người khác.
 

8. Làm thế nào để giải thích được điều nói trên?

Đó là do có “cho” mới có “được”.
 

9. Thế nào là trầm tĩnh?

Trầm tĩnh là trạng thái lắng dịu của thân thể.
 

10. Lắng dịu có giá trị gì?

Lắng dịu sẽ giúp ta khống chế được bản thân,  làm chủ được cái “Tôi”.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn