Trong vũ trụ luân hồi đầy biến động, mỗi quốc gia hay vùng đất đều có thể rơi vào cảnh suy vong bởi ba nguyên nhân chính:
1. Chiến tranh – khởi nguồn từ lòng sân hận và tranh giành quyền lực.
2. Dịch bệnh – sinh ra từ sự si mê, nhiễm ô trong tâm.
3. Hạn hán – biểu hiện của sự cạn kiệt phước báu và lòng tham vô độ.
Ba yếu tố này đều có gốc rễ từ tham – sân – si, những độc tố khiến chúng sinh trôi lăn trong biển khổ của sinh tử luân hồi.
Câu Chuyện Thành Vesali và Sự Cứu Rỗi Của Bài Kinh Châu Báu
Quay về thời Đức Phật còn tại thế, có một vương quốc phồn thịnh mang tên Vesali, nơi trị vì của Vua Lichchavi. Thành Vesali tráng lệ, lộng lẫy với những cung điện nguy nga, đời sống của dân chúng an vui, no đủ. Tuy nhiên, theo dòng nghiệp báo, một cơn đại hạn kéo dài đã giáng xuống vùng đất này, làm cho nguồn nước cạn kiệt, cây cối héo úa, mùa màng thất bát.
Nạn đói hoành hành, người nghèo là những nạn nhân đầu tiên, tiếp đến là những tầng lớp trung lưu và thậm chí cả giới giàu có cũng không tránh khỏi khổ đau. Xác chết chồng chất, mùi tử khí lan tỏa, thu hút vô số phi nhân, quỷ đói kéo về quấy nhiễu. Không chỉ dịch bệnh, thiên tai, mà còn những hiện tượng kỳ quái xuất hiện trong thành, khiến lòng người hoảng loạn.
Trước tình cảnh ấy, Vua Lichchavi đã triệu tập các đại thần, các đạo sĩ, thầy pháp đến để tìm giải pháp. Họ lập đàn cầu đảo, thi triển pháp thuật nhưng tất cả đều vô hiệu. Cuối cùng, một vị đại thần đã đề xuất thỉnh mời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bậc Đại Giác Ngộ, đang ngự tại vương quốc Rājagaha của Vua Bimbisāra
Bài Kinh Châu Báu và Sự Hồi Sinh Của Vesali
Sau khi nhận lời thỉnh cầu, Đức Phật cùng với 500 vị Tỳ kheo quang lâm đến thành Vesali. Khi đến nơi, Ngài đã ban một bài kinh “Ratana Sutta” (Kinh Châu Báu), một bài kinh hộ trì có năng lực thù thắng. Ngài truyền cho Tôn giả Ananda thực hành đi kinh hành quanh ba vòng thành Vesali trong khi tụng niệm bài kinh này.
Khi những lời kinh chân thật, thanh tịnh và đầy uy lực được vang lên, một hiện tượng lạ xảy ra:
* Bầu trời trở nên trong lành, những đám mây xuất hiện và cơn mưa mát mẻ trút xuống, xóa tan cái nóng oi ả.
* Dịch bệnh dần biến mất, người dân đang bệnh dần hồi phục sức khỏe.
* Phi nhân, quỷ đói sợ hãi, tự động rời khỏi thành Vesali.
* Năng lượng thanh tịnh lan tỏa, lòng người an ổn, nỗi sợ hãi tan biến.
Thành Vesali dần khôi phục vẻ trù phú ban đầu, người dân hân hoan, lòng thành kính đối với Đức Phật càng sâu sắc.
Ý Nghĩa Sâu Xa Của Bài Kinh Châu Báu
Bài kinh này được xem như một ngọn đèn soi sáng trong đêm tối của khổ đau. Nó không chỉ có năng lực hộ trì, mà còn giúp con người nhận ra chân lý:
- Mọi tai họa trên thế gian đều bắt nguồn từ nghiệp báo của chúng sinh.
- Phước báu không đến từ cầu xin, mà đến từ việc tu dưỡng thân – khẩu – ý trong sạch.
- Người nào nương tựa vào Tam Bảo, hành trì giới luật và sống thiện lành, sẽ được phước báu che chở.
Trong thời đại ngày nay, nhân loại vẫn đang đối diện với những chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai – cũng không khác gì hoàn cảnh của thành Vesali ngày xưa. Vì thế, hãy tích cực hành thiện, phát triển lòng từ bi, trì tụng kinh điển và giữ vững đức tin để chuyển hóa khổ đau.
Lời Kết
Bài Kinh Châu Báu không chỉ là một bài kinh hộ trì, mà còn là một phương pháp thực hành đưa con người đến an lạc và giải thoát. Mong rằng, những ai hữu duyên biết đến bài kinh này sẽ thọ trì, hành trì và lan tỏa, để ánh sáng của Chánh Pháp tiếp tục chiếu rọi, giúp thế gian thoát khỏi bóng tối của khổ đau và vô minh.
Nội dung bài viết với sự hiểu biết từ bài pháp thoại của Ngài Tam Tạng thứ 15 trong phần dẫn nhập để thuyết giảng bài Kinh Châu Báu
BÀI KINH CHÂU BÁU
Tôn Giả Ananda, với từ tâm vô lượng
Trì tụng Kinh Châu Báu, suốt trọn cả ba canh
Ba vòng thành Vesali, niệm tất cả Ân đức
Của Như Lai đại nguyện, gồm ba mươi pháp độ
Là mười ba-la-mật, mười thường ba-la-mật,
Mười thắng ba-la-mật, năm pháp đại xả thí,
Và cả ba đại hạnh:đại hạnh cho thế gian,
Đại hạnh cho thân tộc, đại hạnh quả vị Phật,
Trong kiếp chót giáng trần, xuất gia tầm giải thoát,
Sáu năm tu khổ hạnh. Chiến thắng đại ma vương,
Đạt Nhất Thiết Chủng Trí, chứng chín pháp siêu phàm
và chuyển vận Pháp luân.
2. Mười muôn triệu thế giới, chư Thiên khắp các cõi
Uy lực kinh thọ trì, tiêu trừ mọi tai ương
Đói khát và bệnh tật, cùng phi nhân quấy nhiễu
trong thành Vesali, thảy đều tan biến.
Này hỡi chư hiền giả, chúng tôi sẽ tụng lên
Hộ Kinh Châu Báu ấy.
3. Phàm những sanh linh nào, đã tụ hội nơi đây,
Hoặc các hạng Địa tiên hay các hạng Thiên tiên,
Mong rằng mọi sanh linh, được đẹp ý vui lòng,
Rồi xin hãy thành tâm, lắng nghe lời dạy này.
4. Do vậy các sinh linh, tất cả hãy lắng tâm,
Rồi khởi lòng từ mẫn, đối với thảy mọi loài,
Ban ngày và ban đêm, họ dâng lễ cúng dường,
Vì vậy chớ xao lãng, hãy hộ trì cho họ.
5. Phàm có tài sản nào, đời này hay đời sau,
Hay ở tại Thiên giới, có châu báu thù thắng,
Không gì sánh bằng được, với Như Lai Thiện Thệ,
Như vậy, nơi Đức Phật, có châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này, mọi loài được hạnh phúc.
6. Pháp bất tử tối thượng, ly dục, diệt phiền não
Đức Thích Ca Mâu Ni, có định chứng pháp này
Không có gì sánh bằng, Pháp thiền vi diệu ấy
Như vậy, nơi Chánh Pháp, có châu báu thù diệu
Mong với sự thật này, mọi loài được hạnh phúc.
7. Phật, Thanh Văn, Duyên Giác, nói lên lời tán thán,
Định thù diệu trong sạch, liên tục không gián đoạn,
Không gì sánh bằng được, Pháp thiền vi diệu ấy.
Như vậy, nơi Chánh Pháp, có châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này, mọi loài được hạnh phúc.
8. Thánh tám vị bốn đôi, Đệ tử Đấng Thiện Thệ,
Là những Bậc Ứng Cúng, được trí giả tán thán
Cúng dường đến các Ngài, được kết quả to lớn.
Như vậy, nơi Tăng chúng, có châu báu thù diệu
Mong với sự thật này, mọi loài được hạnh phúc.
9. Những vị đã ly dục, với ý thật kiên trì,
Đã khéo léo phụng hành, lời dạy Gotama.
Họ đạt được quả vị, họ thể nhập bất tử,
Họ chứng đắc dễ dàng, hưởng thọ sự tịch tịnh,
Như vậy, nơi Tăng chúng, có châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này, mọi loài được hạnh phúc.
10. Ví như cột trụ đá, được chôn chặt xuống đất,
Dầu bốn hướng cuồng phong, cũng không hề lay động
Ta nói Bậc chân nhân, thấu rõ Tứ Thánh Đế
(Cũng tự tại bất động, trước tám pháp thế gian)
Như vậy, nơi Tăng Chúng, có châu báu thù diệu
Mong với sự thật này, mọi loài được hạnh phúc.
11. Bậc thấu triệt Thánh Đế, đã được khéo thuyết giảng
Bởi trí tuệ uyên thâm, dù cho có bất cẩn
Thì cũng không bao giờ, tái sanh kiếp thứ tám,
Như vậy, nơi Tăng chúng, có châu báu thù diệu
Mong với sự thật này, mọi loài được hạnh phúc.
12. Với đầy đủ tri kiến, Thanh Văn đạo quả tuệ,
Vị ấy đoạn trừ được, đồng thời ba kiết sử:
Thân kiến và hoài nghi, luôn cả giới cấm thủ.
13. Vị không thể nào phạm, sáu trọng nghiệp bất thiện
Vĩnh viễn giải thoát mình, ra khỏi bốn đọa xứ,
Như vậy, nơi Tăng chúng, có châu báu thù diệu
Mong với sự thật này, mọi loài được hạnh phúc.
14. Thiên Thệ tuyên bố rằng, đối với Bậc “Kiến Đạo”
Dù vô tâm phạm lỗi, bằng thân, ý hay lời,
Cũng không hề che dấu, lỗi lầm của vị ấy
Như vậy, nơi Tăng Chúng, có châu báu thù diệu
Mong với sự thật này, mọi loài được hạnh phúc.
15. Đẹp là những cây rừng, đội chồi non đầu ngọn.
Trong tháng hạ nóng bức, những ngày hạ đầu tiên.
Pháp thù thắng Phật thuyết, được ví dụ như vậy.
Pháp đưa đến Niết Bàn, Pháp lợi ích tối thượng,
Như vậy, nơi Đức Phật, có châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này, mọi loài được hạnh phúc.
16. Đức Phật - Bậc vô thượng, liễu thông Pháp vô thượng
Ban bố Pháp vô thượng, chuyển đạt Pháp vô thượng
Tuyên thuyết Pháp vô thượng,
Nhự vậy, nơi Đức Phật, là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này, mọi loài được hạnh phúc.
17. Nghiệp cũ đã đoạn tận, nghiệp mới không sanh khởi
Tâm tư không kiết sử, trong sanh hữu tương lai
Bởi tham muốn đã đoạn, các chủng tử không còn
Ví như ngọn đèn tắt, Bậc trí chứng Niết Bàn
Như vậy, nơi Tăng Chúng, là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này, mọi loài được hạnh phúc.
18. Phàm những sanh linh nào, đã tụ hội nơi đây,
Hoặc trên mặt đất này, hoặc chính giữa hư không,
Hãy đành lễ Đức Phật, đã như thực xuất hiện,
Được loại Trời, loài Người, đảnh lễ và cúng dường,
Mong với sự thật này, mọi loài được hạnh phúc.
19. Phàm những sanh linh nào, đã tụ hội nơi đây,
Hoặc trên mặt đất này, hoặc chính giữa hư không,
Hãy đảnh lễ Chánh Pháp, đã như thực xuất hiện,
Được loài Trời, loài Người, đành lễ và cúng dường,
Mong với sự thật này, mọi loài được hạnh phúc.
20. Phàm những sanh linh nào, đã tụ hội nơi đây,
Hoặc trên mặt đất này, hoặc chính giữa hư không,
Hãy đảnh lễ chúng Tăng, đã như thật xuất hiện,
Được loài Trời, loài Người, đành lễ và cúng dường,
Mong với sự thật này, mọi loài được hạnh phúc.
(Dứt bài kinh Châu Báu)